Nhu cầu sử dụng gỗ của con người ngày càng tăng, trong khi việc trồng và khai thác Gỗ Tự Nhiên không đủ sản lượng để đáp ứng, giá thành cao.
Bên cạnh đó Gỗ Công Nghiệp cũng là một lựa chọn không hề tồi. Với ưu điểm bền, đẹp, giá thành rẻ (hơn Gỗ Tự Nhiên).
Gỗ Công Nghiệp được sử dụng phổ biến trong Hoàn Thiện Nội Thất
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về Gỗ Công Nghiệp:
- Gỗ Công Nghiệp là gì?
- Các loại Gỗ Công Nghiệp phổ biến và phạm vi ứng dụng.
- Tiêu chuẩn đánh giá tính an toàn về sức khỏe con người khi sử dụng Gỗ Công Nghiệp.
- Sự khác nhau giữa Gỗ Công Nghiệp và Gỗ Tự Nhiên.
Quý Khách Hàng hãy cùng ACI xem chi tiết nội dung bên dưới!
1) GỖ CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?
Gỗ Công Nghiệp là loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong sản xuất, thi công Nội Thất.
Gỗ Công Nghiệp bao gồm 2 thành phần chính: Cốt Gỗ (chất liệu bên trong) và Lớp phủ hoàn thiện bề mặt. Trong đó:
Cốt Gỗ: Được sản xuất bằng cách kết hợp giữa keo, hóa chất, gỗ dăm hoặc bột gỗ, … để tạo ra các tấm gỗ như: Gỗ Dăm, MDF, HDF, Plywood (ván ép), Picomat, …
Cốt Gỗ là phần lõi bên trong ván Gỗ Công Nghiệp
Lớp Phủ Hoàn Thiện Bề Mặt: Là các lớp phủ được sử dụng để dán (ép) lên cốt gỗ. Phổ biến như: melamine, laminate, veneer, acrylic, kính thủy, …
Lớp phủ tạo bề mặt hoàn thiện cho Gỗ Công Nghiệp
2) CÁC LOẠI GỖ CÔNG NGHIỆP PHỔ BIẾN VÀ PHẠM VI ỨNG DỤNG
2.1) CỐT GỖ
Tấm Gỗ Dăm:
Từ những cây gỗ tự nhiên phổ biến như cây Tràm, cây Keo, cây Bạch Đàn, … được khai thác. Sau đó đưa vào máy băm vụn (gồm thân, lá, cành) với kích thước vài mm đến vài cm. Rồi sấy khô thành gỗ dăm.
Sản xuất bằng cách ép (áp suất cao): keo dán gỗ, gỗ dăm, phụ gia, … để tạo thành các tấm gỗ dăm với kích thước (dài, rộng) phổ biến 2440mm x 1220mm. Với các chiều dày: 9mm, 12mm, 18mm, 25mm, …
Cốt Gỗ Dăm
Gỗ Dăm có loại thường và chống ẩm (cốt gỗ có màu xanh lá để phân biệt).
Tấm Gỗ MDF:
Từ những cây gỗ tự nhiên phổ biến như cây Tràm, cây Keo, cây Bạch Đàn, … được khai thác. Sau đó thân, cành được bóc bỏ, rửa sạch và xay mịn. Rồi sấy khô thành bột gỗ.
Sản xuất bằng cách ép (áp suất cao): keo dán gỗ, bột gỗ, phụ gia, … để tạo thành các tấm gỗ MDF với kích thước (dài, rộng) phổ biến 2440mm x 1220mm. Với các chiều dày: 9mm, 12mm, 17mm, 20mm, 25mm, …
Như vậy MDF là Cốt Gỗ cao cấp hơn, tốt hơn, giá thành nhỉnh hơn Cốt Gỗ Dăm khoảng 20%.
MDF là viết tắt của Medium Density Fiberboard (nghĩa là ván sợi có mật độ trung bình).
MDF có khoảng 75% là bột gỗ. Còn lại là keo, phụ gia, …
Trọng lượng riêng của MDF là 680 – 840kg/m3.
Cốt Gỗ MDF
Gỗ MDF có loại thường và loại chống ẩm (cốt gỗ có màu xanh lá để phân biệt).
Tấm Gỗ HDF:
Cách sản xuất giống như gỗ MDF. Nhưng cao cấp hơn gỗ MDF.
HDF là viết tắt của High Density Fiberboard (nghĩa là ván sợi có mật độ cao).
HDF có khoảng 85% là bột gỗ. Còn lại là keo, phụ gia, …
Trọng lượng riêng của HDF là 800 – 1040kg/m3.
Cốt Gỗ HDF
Gỗ HDF có khả năng chịu lực và chống ẩm tốt hơn gỗ MDF. Tuy nhiên HDF còn có lõi màu xanh và màu đen có khả năng siêu chống ẩm (chống ẩm lâu hơn loại HDF thường và MDF lõi xanh).
Tấm Gỗ Plywood (gỗ ép):
Là loại ván gỗ được tạo ra từ nhiều lớp ván Gỗ Tự Nhiên (gỗ Thông, Bạch Đàn, Xoan Đào, Sồi, …) mỏng (khoảng 2-5mm), có cùng kích thước được dán (ép) chồng lên nhau theo thớ vân gỗ của mỗi lớp.
Gỗ ép được sản xuất có chất lượng khác nhau tùy thuộc mục đích sử dụng và số lượng lớp ván được ép.
Gỗ ép có đặc tính dẻo dai, không cong vênh, chống thấm, chịu nước tốt hơn so với loại Gỗ dăm, MDF, HDF.
Gỗ ép được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như một vật liệu xây dựng tốt dùng cả trong nhà và ngoài trời.
Cốt Gỗ Plywood
Quy cách về kích thước, chiều dày của các tấm Plywood tương tự như quy cách các tấm MDF, HDF.
Tấm Nhựa Picomat:
Với thành phần chính là bột nhựa PVC, keo dán, phụ gia, …được ép (áp suất cao) để tạo thành các tấm nhựa Picomat.
Cốt tấm nhựa Picomat
Tấm nhựa Picomat được sử dụng để thay thế Cốt gỗ MDF, HDF cho những sản phẩm chịu nước như tủ bếp dưới, tủ lavabo, …
Quy cách về kích thước, chiều dày của các tấm nhựa Picomat tương tự như quy cách các tấm MDF, HDF.
2.2) LỚP PHỦ BỀ MẶT
Melamine:
Là lớp phủ phổ biến với ưu điểm là giá thành rẻ, bền, mẫu mã đa dạng.
Melamine được cấu tạo từ 2 lớp:
- Lớp bề mặt là lớp trong suốt, có khả năng chống chịu trầy xước, chống thấm nước
- Lớp giữa là lớp phim tạo hoa văn mỹ thuật như vân gỗ, vân đá, vân da, …
Melamine thường được dán (ép) sẳn vào Cốt Gỗ như: Gỗ dăm, MDF, HDF, Picomat.
Cấu tạo lớp phủ Melamine được dán (ép) trên cốt gỗ MDF
Laminate:
Là lớp phủ phổ biến, tương đồng với Melamine. Nhưng mà cao cấp hơn, bền hơn, giá thành cao hơn Melamine.
Laminate được cấu tạo từ 3 lớp:
- Lớp bề mặt là lớp trong suốt, có khả năng chống chịu trầy xước, chống thấm nước.
- Lớp giữa là lớp phim tạo hoa văn mỹ thuật như vân gỗ, vân đá, vân da, …
- Lớp đế là lớp giấy nền dưới cùng, được sử dụng để dán (ép) vào Cốt Gỗ.
Các lớp Laminate thường dày hơn, hoa văn đẹp hơn, bền hơn Melamine.
Cấu tạo lớp phủ Laminate
Veneer:
Là gỗ lạng từ Gỗ Tự Nhiên. Thường có độ dày từ 0.4mm – 2mm.
Những loại veneer (gỗ lạng) phổ biến là veneer: Sồi, Walnut, Tần Bì, Xoan Đào, Gỗ Hương, …
Veneer được sử dụng để dán (ép) lên Cốt Gỗ.
Veneer với đặc điểm là gỗ lạng từ Gỗ Tự Nhiên. Cho nên những Cốt Gỗ ép Veneer sẽ có bề mặt giống y như tấm gỗ Tự Nhiên.
Cấu tạo lớp phủ Veneer
Hiện nay nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm từ Veneer. Nhiều nhà cung cấp sử dụng cốt gỗ là gỗ tự nhiên giá thành rẻ như gỗ Thông, gỗ Cao Su, … để làm Cốt gỗ. Sau đó được ép Veneer Sồi, Walnut, … lên bề mặt. Như vậy sẽ có bề mặt gỗ đẹp, vừa có cạnh tấm gỗ cũng là gỗ tự nhiên (không cần dán chỉ dễ lộ khuyết điểm). Mặc dù có giá thành nhỉnh hơn sử dụng Cốt gỗ công nghiệp, nhưng lại nâng cao chất lượng sản phẩm.
Acrylic:
Hay còn gọi là Mica, thủy tinh hữu cơ.
Acrylic có đặc điểm là đa dạng màu sắc, bề mặt bóng loáng nhìn rất cao cấp. Tuy nhiên lại có giá thành cao, dễ trầy xước. Nên thường được sử dụng để làm cánh tủ (vừa đẹp, vừa hạn chế trầy xước vì bề mặt cánh tủ ít bị tác động).
Lớp Phủ Acrylic
Acrylic được dán trực tiếp lên Cốt Gỗ bằng keo chuyên dụng.
Kính Thủy:
Hay còn gọi là gương thủy. Với đa dạng màu sắc như: kính thủy trong suốt, kính thủy màu trà, kính thủy màu vàng hồng, …
Với đặc điểm sang trọng, đẹp mắt. Tuy nhiên lại có giá thành cao, dễ vỡ khi bị va chạm mạnh. Nên thường được sử dụng làm vách trang trí, trần trang trí, …
Các mẫu Kính thủy màu được dán lên tấm nền MDF hoặc HDF để làm vách, trần trang trí
Kính Thủy được dán trực tiếp lên Cốt Gỗ bằng silicon có tính chất trung tính.
2.3) PHẠM VI ỨNG DỤNG
Gỗ MFC:
Là cốt Gỗ Dăm dán (ép) Melamine chính là gỗ công nghiệp MFC. Được sử dụng phổ biến cho các đồ nội thất ít đụng tới nước như: Tủ hồ sơ, Bàn làm việc, Tủ TV, Giường ngủ, Tủ quần áo, …
Ngoài MFC thì Gỗ MDF Melamine (tuy có giá thành nhỉnh hơn MFC khoảng 20%). Nhưng lại bền hơn gỗ MFC, được sử dụng thay thế MFC để mang lại những sản phẩm tốt hơn MFC.
Gỗ MDF, HDF melamine: Ngoài việc được sử dụng để thay thế gỗ MFC. Phần lớn MDF/ HDF melamine được sử dụng làm Sàn Gỗ Công Nghiệp.
Gỗ HDF đen dán ép melamine: Chủ yếu là HDF đen dán (ép) melamine, có khả năng chống nước tốt. được sử dụng làm vách ngăn, cửa cho Nhà Vệ Sinh.
Tấm Picomat dán (ép) melamine: Được sử dụng cho những sản phẩm chịu nước như: tủ bếp dưới, tủ lavabo, …
Gỗ Công Nghiệp được ứng dụng phổ biến trong Nội Thất
Gỗ MDF, HDF dán ép laminate: Được sử dụng để làm Bàn, Vách trang trí, Tủ trang trí, Sàn sân khấu, … Bề ngoài tương tự MFC, MDF melamine. Nhưng MDF, HDF dán laminate cao cấp hơn.
Gỗ MDF, HDF, gỗ Cao Su, gỗ Thông, … dán ép veneer: Được sử dụng làm Bàn, Vách trang trí, Tủ trang trí, Tủ áo quần, …Bề ngoài venner sẽ giống y chang Gỗ Tự Nhiên, tạo nên sự sang trọng.
Chiếc Bàn là kết hợp giữa Gỗ Công Nghiệp phủ Veneer và Gỗ Tự Nhiên
Gỗ MDF, HDF dán ép acrylic: Được sử dụng chủ yếu làm cánh tủ, tạo nên sự sang trọng. Tuy nhiên giá thanh cao hơn các lớp phủ khác.
Lớp phủ Acrylic được sử dụng chủ yếu làm cánh tủ
Gỗ MDF, HDF dán ép kính thủy: Được sử dụng chủ yếu làm Vách trang trí, Trần trang trí, …
Quầy Bar và Trần được trang trí bằng Kính thủy màu trà
3) TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TÍNH AN TOÀN VỀ SỨC KHỎE CON NGƯỜI KHI SỬ DỤNG GỖ CÔNG NGHIỆP
Đánh giá tính an toàn về Gỗ Công Nghiệp với sức khỏe con người nằm ở chỉ số Formaldehyde.
Vậy Formaldehyde là gì?
Mô hình hóa học và Công thức cấu tạo của Formaldehyde
Formaldehyde là một hợp chất hữu cơ có công thức phân tử: CH2O, là một Andehit.
Formaldehyde là một chất khí, dễ tan trong nước, có mùi hăng mạnh.
3.1) TÁC HẠI CỦA FORMALDEHYDE ĐỔI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI
Formaldehyde được Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (Hoa Kỳ) phân loại như là chất có khả năng gây ung thư và được Cơ Quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế (IARC) coi là chất gây ung thư đã biết ở người.
Formaldehyde bay hơi ở nhiệt độ thường nên có thể gây viêm da, xâm nhập vào đường hô hấp. Khi vào cơ thể, Formaldehyde gây viêm niêm mạc phổi, làm tổn thương những cơ quan này, tạo ra hợp chất độc, tích tụ lâu ngày sẽ gây nguy hại cho tế bào, gây ung thư.
Do đó, nếu người tiêu dùng lắp đặt, sử dụng những vật dụng có chứa hàm lượng phát thải Formaldehyde cao trong nhà như tủ, đồ nội thất, sàn nhà, …sẽ rất nguy hiểm.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Formaldehyde
3.2) TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HÀM LƯỢNG FORMALDEHYDE TRONG GỖ CÔNG NGHIỆP
Formaldehyde có nhiều trong keo trộn bột gỗ. Tùy vào từng loại keo mà thành phần Formaldehyde nhiều hay ít.
Tiêu chuẩn hàm lượng phát thải Gỗ Công Nghiệp theo tiêu chuẩn (E, F, Carb – P): Là tiêu chuẩn quan trọng và bắt buộc tuân thủ ở các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Hàm lượng phát thải Gỗ Công Nghiệp được tính bằng đơn vị ppm (viết tắt của part per million) là đơn vị đo mật độ theo thể tích, khối lượng mang tỷ lệ 1/1,000,000.
Bảng Tính Tiêu Chuẩn Hàm Lượng Phát Thải Gỗ Công Nghiệp:
- Tiêu chuẩn E0, F***, Carb – P2: Đây là chỉ số cao nhất thể hiện đồ Gỗ Công Nghiệp hầu như không có chất độc hại.
- Tiêu chuẩn E1, F**, Carb – P1: Đây là chỉ số là đạt chuẩn, với nồng độ Formaldehyde không gây độc hại trong quá trình sử dụng.
- Tiêu chuẩn E2: Đây là ngưỡng tối thiểu mà nồng độ Formaldehyde bắt đầu có hại cho sức khỏe con người trong quá trình sử dụng.
Cấp Tiêu Chuẩn | Giới hạn nồng độ phát thải Formaldehyde (ppm) | Loại Gỗ | Cách Kiểm Tra | Quốc Gia Áp Dụng |
E0/F*** | 0.07ppm | PW, MDF, HDF | JIS A-1460 | Nhật Bản, Australia, Newzeland, Hàn Quốc, các nước Tây Á |
E1/F** | 0.14ppm – 0.10ppm | PW, MDF, HDF | Test EN 717-1, Test EN120 | Nhật Bản, Australia, Newzeland, Hàn Quốc, các nước Tây Á |
E2 | 0.38ppm | PW, MDF, HDF | Test EN120 | các nước Đông Nam Á, Bắc Phi |
Carb – P1 | 0.21ppm – 0.18ppm | HW, MDF, HDF | ASTM E1333 | Mỹ, Canada, các nước Châu Âu |
Carb – P2 | 0.11ppm – 0.05ppm | HW, MDF, HDF | ASTM E1333 | Mỹ, Canada, các nước Châu Âu |
Bảng Hàm Lượng Phát Thải Gỗ Công Nghiệp
Lưu Ý:
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có những nhà cung cấp Gỗ Công Nghiệp đạt chuẩn với các chứng chỉ E1, E2.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều Gỗ Công Nghiệp không rõ nguồn gốc, không có chứng chỉ E1, E2. Với giá thành rẻ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Bởi vậy người sử dụng phải đặc biệt chú ý. Đừng vì giá thành rẻ mà bỏ qua nguồn gốc, chứng chỉ E1, E2 khi sử dụng Gỗ Công Nghiệp. Sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bản thân, người trong gia đình khi sử dụng lâu dài.
4) SỰ KHÁC NHAU GIỮA GỖ TỰ NHIÊN VÀ GỖ CÔNG NGHIỆP
Đặc Điểm | Gỗ Tự Nhiên | Gỗ Công Nghiệp |
Độ Bền | Gỗ Tự Nhiên là loại gỗ có độ bền tốt nhất, lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm năm nếu là loại gỗ quý hiếm và được bảo quản đúng cách. | Độ bền của gỗ công nghiệp tùy theo từng loại chất liệu có loại độ bền thấp đến cao. Nhưng nếu so sánh với Gỗ Tự Nhiên thì không bằng. |
Thẩm Mỹ | Vẻ đẹp trường tồn theo năm tháng: với độ bền cao cùng những đường vân gỗ được tạo hóa ban tặng, gỗ tự nhiên được người ta ưa chuộng hàng đầu bởi sự độc nhất và sang trọng mà nó mang lại. Sau 1 thời gian sử dụng nếu sản phẩm tối màu thì bạn chỉ cần sơn đánh bóng là sẽ trở lại như mới. |
Kiểu dáng đa dạng sự lựa chọn bởi là gỗ nhân tạo, được con người sáng tạo dựa trên những thớ gỗ tự nhiên. Đa dạng màu sắc hơn gỗ tự nhiên và dễ dàng ứng dụng ở hầu hết mọi không gian. |
Chống Nước | Một số chất gỗ tự nhiên không bị ảnh hưởng bởi nước bởi nó được xử lý trước khi đưa vào sử dụng hoặc 1 số loại gỗ tự nhiên, bản thân chúng đã là loại thân gỗ ưa sống trong môi trường nước, vì vậy nó có thể chống được nước tốt. | Gỗ Công Nghiệp chỉ có khả năng chống ẩm, còn chống nước thì không tốt. Bởi vậy nên hạn chế tiếp xúc nước thường xuyên vì lâu dài keo trong gỗ cũng sẽ bong ra. |
Dễ Tạo Hình | Dễ dàng tạo hình với mọi hình dạng, màu gỗ ấm áp mang lại cảm giác ấm cúng và sang trọng. | Gỗ công nghiệp cũng dễ dàng tạo hình. Nhưng hạn chế hơn so với Gỗ Tự Nhiên |
Giá Thành | Những loại gỗ tự nhiên đang ngày càng trở nên quý hiếm không chỉ bởi vì sự khan hiếm mà còn bởi độ bền tốt, vì vậy giá thành khá cao. | Giá thành hợp lý tùy vào chất liệu, tuy nhiên giá rẻ hơn gỗ tự nhiên. |
Độ Cong Vênh | Dễ dàng bị cong vênh nếu không được xử lý tốt. | Ít bị công vênh hơn so với Gỗ Tự Nhiên. |
Biến Dạng | Có thể bị biến dạng nếu gặp tình trạng cong vênh, mối mọt hoặc lực nặng đè lên gỗ. | Gỗ công nghiệp dễ bị biến dạng nếu không được bảo quản tốt. |
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng sẽ giúp Quý Khách Hàng có thêm những kiến thức bổ ích về Gỗ Công Nghiệp.
Quý Khách Hàng có thể tham khảo thêm về “Lĩnh Vực Hoạt Động” của ACI:
Link: https://acicons.vn/linh-vuc/
Nếu Quý Khách Hàng muốn biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn bất kỳ thông tin nào khác thì hãy liên hệ với Công Ty TNHH Xây Dựng ACI để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng!